Chưa phân loại

Bộ An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ (DHS) Công Bố Quy Định Về Gánh Nặng Xã Hội Mang Tính Công Bằng Và Nhân Đạo

21-11-2022

– Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) đã ban hành một quy định chung cuộc, sẽ được đăng trong Công báo Liên bang, để thể hiện sự nhất quán và rõ ràng về cách mà DHS áp dụng lý do gánh nặng xã hội để từ chối nhập cư những người không phải là công dân Hoa Kỳ. Quy định này phục hồi một nguyên tắc lịch sử về khái niệm “gánh nặng xã hội” đã từng tồn tại suốt nhiều thập kỷ cho đến khi Chính phủ Hoa Kỳ tiền nhiệm bắt đầu xem các khoản phúc lợi y tế công cộng bổ sung, như chương trình Medicaid và chương trình hỗ trợ dinh dưỡng, là một phần của việc xác định xem có cho phép nhập cư vì lý do gánh nặng xã hội hay không. Quy định được công bố hôm nay nói lên sự cam kết của Chính phủ của Tổng thống Biden đối với việc phục hồi niềm tin vào cơ chế nhập cư hợp pháp của Hoa Kỳ.

“Hành động này đảm bảo việc đối xử công bằng và nhân đạo dành cho những người nhập cư hợp pháp và các thành viên gia đình của họ là công dân Hoa Kỳ.” Ông Alejandro N. Mayorkas, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, tuyên bố. “Kiên trì nhất quán với các giá trị nền tảng của Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ không trừng phạt những người muốn nhận các phúc lợi y tế và các dịch vụ bổ sung khác mà chính phủ dành cho họ.”

“Trong quá trình duy trì các giá trị của đất nước chúng ta, chính sách này đối xử tất cả những người mà chúng ta phục vụ trên tinh thần công bằng và tôn trọng.” Ông Ur M. Jaddou, Giám đốc Sở Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ, cho biết. “Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải thực hiện để vượt qua tình trạng bối rối và e ngại, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để phá vỡ các rào cản trong cơ chế nhập cư, khôi phục lòng tin và sự tín nhiệm dành cho các cộng đồng dân nhập cư và loại bỏ những gánh nặng thừa thải trong quy trình nộp đơn.”

Mục 212(a)(4) trong Đạo luật Di trú và Nhập tịch (INA) quy định rằng người không phải là công dân sẽ bị từ chối nhập cư nếu họ “có khả năng trở thành một gánh nặng xã hội ở bất cứ thời điểm nào.”

Một người không phải là công dân Hoa Kỳ được xem là có thể trở thành một “gánh nặng xã hội”, có nghĩa là họ có nhiều khả năng sống phụ thuộc vào sự trợ giúp của chính phủ, sẽ bị từ chối nhập cảnh hay thường trú hợp pháp (theo cách nói thông thường là có thẻ xanh). Trước năm 2019, hầu hết mọi khoản phúc lợi không phải là tiền mặt của chính phủ, ví dụ như Medicaid hay chương trình hỗ trợ dinh dưỡng, được loại trừ khỏi quá trình xem xét cho phép nhập cư. Quy định năm 2019, mà cuối cùng đã bị hủy bỏ và không còn hiệu lực, dẫn đến tình trạng sụt giảm các trường hợp xin tham gia vào những chương trình như thế từ những người không phải là đối tượng không được nhập cư vì lý do gánh nặng xã hội, ví dụ như con cái của các công dân Hoa Kỳ tại các hộ gia đình có nhiều diện nhập cư khác nhau. Do đó, việc đăng quy định này vào Công báo Liên bang sẽ tránh được các trường hợp này, bằng cách ghi thành luật để phục hồi thuật ngữ mang tính lịch sử đó.

Theo quy định này, cũng như theo bản Hướng dẫn Thực địa Tạm thời năm 1999 đã được áp dụng suốt hầu như hai thập kỷ vừa qua, một người không phải là công dân sẽ có thể được xem là có khả năng trở thành một gánh nặng xã hội nếu DHS xác định rằng người ấy có khả năng trở thành đối tượng chủ yếu sống phụ thuộc vào sự trợ giúp của chính phủ. Việc xác định như thế sẽ dựa trên:

  • “Tuổi tác; sức khỏe; tình trạng gia đình; các khoản tài sản; các nguồn tài lực; tình trạng tài chính; nền tảng giáo dục và các kỹ năng” của người không phải là công dân ấy, theo quy định của Đạo luật INA;
  • Việc nộp Biểu mẫu I-864, Bản Tuyên thệ Hỗ trợ theo Mục 213A của Đạo luật INA, được nộp thay mặt cho người không phải là công dân khi được yêu cầu; và
  • Biên nhận Thu nhập An sinh Bổ sung (SSI) hiện thời hay trước đó của người không phải là công dân; sự hỗ trợ tiền mặt để duy trì thu nhập theo Chương trình Hỗ trợ Tạm thời cho các Gia đình Nghèo (TANF); các chương trình phúc lợi bằng tiền mặt của Tiểu bang, Bộ lạc, vùng lãnh thổ hay địa phương để duy trì thu nhập (thường được gọi là “Hỗ trợ Tổng quát”); hoặc một chương trình trợ giúp dài hạn đã thể chế hóa của chính phủ.

Trong quá trình xác định các trường hợp gánh nặng xã hội, DHS chỉ tính các khoản phúc lợi nhận được của người nộp đơn, không tính các khoản phúc lợi đã nhận được của bà con trong gia đình người nộp đơn. DHS cũng sẽ không xem xét việc nhận các khoản phúc lợi không phải là tiền mặt nào đó mà những người không phải là công dân có thể đủ điều kiện thụ hưởng. Các khoản phúc lợi ấy bao gồm: Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP) hay các chương trình dinh dưỡng khác, Chương trình Bảo hiểm Y tế cho Trẻ em (CHIP), Medicaid (ngoài trợ giúp dài hạn đã thể chế hóa), các khoản phúc lợi về nhà ở, bất cứ khoản phúc lợi nào có liên quan đến tiêm chủng hay xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm, hoặc các khoản phúc lợi bổ sung hay phục vụ cho mục đích đặc biệt khác.

DHS sẽ cho ra một bản cập nhật Cẩm nang Chính sách để giúp các viên chức tại Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) áp dụng quy chế này một cách công bằng và nhất quán, cũng như để công chúng biết rõ hơn về cách thức thực hiện quy định này trong tương lai. DHS cũng sẽ tiến hành các hình thức tiếp xúc và thông tin cộng đồng để giảm bớt rủi ro nhầm lẫn hay e ngại mà những người không phải là công dân cũng như các công dân Hoa Kỳ có thể gặp phải.

Quy định chung cuộc này sẽ có hiệu lực vào ngày 23 tháng 12 năm 2022, và sẽ được đăng trong Công báo Liên bang vào ngày 09 tháng 09 năm 2022. DHS đang đánh giá tình trạng gánh nặng xã hội một cách nhất quán với luật định cũng như bản Hướng dẫn Thực địa Tạm thời năm 1999 và sẽ tiếp tục thực hiện điều đó cho đến khi Bộ thực thi quy định chung cuộc này đối với các đơn xin được đóng dấu bưu điện vào đúng hay sau ngày quy định chung cuộc này có hiệu lực.

Công bố này nằm trong loạt hành động mà Chính phủ của Tổng thống Biden đã và đang tiến hành để ổn định tốt hơn các chức năng của DHS và đảm bảo việc quản lý các cơ chế nhập cư của Hoa Kỳ một cách công bằng và hiệu quả.